Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh, triển khai ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam trong thời gian gần đây, nhiều người dân muốn trở về quê, nhiều doanh nghiệp, vận tải hàng hóa đến địa bàn hoặc đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Để giúp người dân, doanh nghiệp và xã hội duy trì trạng thái “bình thường mới” – vừa chung sống an toàn với dịch bệnh, vừa tiếp tục kinh doanh sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Trung tâm IOC) dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của các cấp lãnh đạo, trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào hoạt động thí điểm các hệ thống thông tin, các ứng dụng, giải pháp công nghệ mới nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Đến nay, sau 4 đợt dịch bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, các giải pháp, ứng dụng công nghệ tại Thừa Thiên Huế đã chứng minh vai trò và hiệu quả bước đầu trong hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, nền tảng ứng dụng di động dịch vụ đô thị thông minh Hue-S đã được tích hợp toàn diện các giải pháp công nghệ phục vụ người dân, lực lượng chức năng trong phòng chống dịch. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh.
Tạo sự đồng thuận từ các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh
Thời gian qua, việc triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, đưa giải pháp công nghệ vào phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi nhất định. Cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị địa phương đã có những kinh nghiệm trong việc thao tác, vận hành các hệ thống thông tin điện tử, ứng dụng phần mềm trong quá trình phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh nên việc triển khai các nền tảng, phần mềm mới đều tiếp cận rất nhanh, mất ít thời gian tập huấn, đào tạo. Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ cấp tỉnh đến tận thôn, xã, tổ dân phố,… Do tình hình dịch bệnh, nên việc triển khai thường diễn ra theo hình thức trực tuyến, nên thuận tiện hơn trong công tác phòng, chống dịch, các cán bộ tiếp nhận không phải di chuyển xa lên trung tâm của tỉnh, chỉ cần máy tính, thiết bị di động có kết nối Internet là có thể tập huấn và trao đổi trực tiếp với cán bộ làm công tác kĩ thuật, triển khai các giải pháp một cách dễ dàng và thuận tiện.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã kịp thời khắc phục một số khó khăn do một vài thời điểm nguồn lực hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của hệ thống; Việc nghiên cứu, xây dựng và đưa vào triển khai ngay để đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ nên không thể tránh những lỗi nhỏ gây khó khăn, gián đoạn. Ngoài ra, tùy vào diễn biến của tình hình dịch bệnh, các chính sách, biện pháp thường xuyên thay đổi đòi hỏi các hệ thống phải thường xuyên cập nhật, nâng cấp.
Biến công nghệ thành giải pháp hữu hiệu
Giải pháp ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh của Trung tâm IOC được xây dựng dựa trên các quy trình, quy định, chính sách phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tính khoa học, khắc phục những bất cập, các vướng mắc đều được phản hồi, tiếp thu, phân tích và cập nhật, nâng cấp trên các ứng dụng, phần mềm nhằm đảm bảo giải pháp được triển khai đồng bộ, triệt để. Các giải pháp ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch COVID-19 được phân thành 2 nhóm chính:
Nhóm chức năng dành cho Công dân, tổ chức
Các chức năng, dịch vụ được cung cấp chủ yếu trên nền tảng ứng dụng di động Hue-S và cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh tại địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn phục vụ người dân thực hiện các nhu cầu như khai báo y tế, khai báo vào tỉnh, khai báo dành cho phương tiện vận tải vào giao nhận hàng; đăng ký chương trình đón công dân từ thành phố Hồ Chí Minh về Huế, đăng ký cách ly có thu phí; tư vấn khám chữa bệnh qua hình thức trực tuyến, …
Các chức năng cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho người dân phục vụ công tác chống dịch như thông tin cảnh báo, văn bản chỉ đạo, cung cấp tin tức địa phương, tin tức quốc gia, diễn biến dịch trên phạm vi cả nước, tích hợp trang cảnh báo tin giả của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt là chức năng “xác minh thông tin” hỗ trợ người dân xác thực các thông tin chưa được kiểm chứng trên môi trường mạng.
Hue-S còn tích hợp các chức năng cung cấp cho người dân kỹ năng về phòng chống dịch, tra cứu các địa điểm thuộc diện cách ly y tế khi về địa phương, cung cấp bản đồ cảnh báo vùng dịch, cơ sở y tế. Người dân còn có thể tra cứu các phương tiện vận tải không chấp hành quy định phòng chống dịch khi di chuyển vào hoặc đi qua địa bàn tỉnh thông qua chức năng “xe vi phạm” để phản ánh đến cơ quan chức năng thông qua dịch vụ phản ánh hiện trường trên Hue-S hoặc tổng đài 19001075.
Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai giải pháp QR điểm đến trên ứng dụng Hue-S. Mỗi một địa điểm kinh doanh, địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị… trên địa bàn tỉnh đều chủ động tạo mã QR cho riêng mình. Người dùng Hue-S thực hiện quét Mã QR điểm đến để lưu lại lịch trình di chuyển phục vụ công tác truy vết khi xảy ra dịch bệnh.
Nhóm chức năng dành cho cơ quan chức năng phòng chống dịch
Các lực lượng được phân quyền theo chức năng nhiệm vụ, sử dụng Hue-S hoặc cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh để thực hiện các nghiệp vụ:
+ Giám sát, cập nhật thông tin các phương tiện giao thông qua Chốt kiểm soát hoặc kiểm tra phương tiện vi phạm quy định chống dịch thông qua các chức năng như: phê duyệt vận tải, duyệt xe qua chốt, theo dõi vi phạm hoặc vi phạm phù hiệu vàng.
+ Giám sát, cập nhật thông tin người vào tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua các chức năng Phê duyệt người vào, Xác nhận qua chốt, Test nhanh tại chốt, hệ thống thông tin giám sát, quản lý khu cách ly.
Các tổ COVID cộng đồng cũng ứng dụng công nghệ thông qua ứng dụng Hue-S để xác minh thông tin người ngoài tỉnh vào địa phương và người Huế trở về địa phương thông qua các chức năng Xác minh người về, Vi phạm phù hiệu vàng…
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát thông qua cảm biến Camera cũng là một trong những giải pháp phát huy hiệu quả rất tốt, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch. Ứng dụng công nghệ AI trong việc nhận diện biển số xe, tất cả các phương tiện đi qua/vào địa bàn tỉnh đều được hệ thống ghi nhận, đối chiếu với dữ liệu các phương tiện đã đăng ký qua Hue-S. Khi các phương tiện vi phạm, không di chuyển đúng lộ trình đã đăng ký, camera được lắp đặt tại các tuyến đường chính vào khu dân cư, nội thành sẽ nhận diện, phát cảnh báo vi phạm đến các lực lượng tuần tra kiểm soát thông qua ứng dụng di động để kịp thời kiểm tra xử lý. Với hơn 40 camera giao thông ứng dụng công nghệ AI đã cảnh báo hơn 3.500 xe có dấu hiệu vi phạm quy định phòng chống dịch. Hệ thống trên 300 camera giám sát tại các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung được đầu tư, trang bị kịp thời nhằm mục đích đảm bảo an toàn trật tự, giám sát phục vụ truy vết khi xảy ra F0 tại các khu cách ly.
Hệ thống tổng đài 19001075 cùng với chức năng phản ánh hiện trường trên ứng dụng Hue-S đã liên tục hoạt động 24/7 với cường độ các cuộc gọi tăng cao, có thời điểm rơi vào quá tải do nhu cầu thông tin của người dân rất cao. Chỉ riêng trong đợt chống dịch lần thứ 4, hệ thống tổng đài đã ghi nhận trên 150.000 cuộc gọi tư vấn hỗ trợ các chính sách chống dịch. Đặc biệt, hệ thống tổng đài đã triển khai xác minh, các đối tượng ưu tiên theo chương trình đón công dân trở về từ thành phố Hồ Chí Minh trình Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét phê duyệt theo quy định.
Kích hoạt, triển khai “Thẻ kiểm soát dịch bệnh”
Thẻ kiểm soát dịch bệnh bằng Mã QR Quốc gia và việc in thẻ này thành thẻ giấy, thẻ nhựa kết hợp với thẻ điện tử được đăng ký và hiển thị trên Hue-S là một trong những sáng kiến của Thừa Thiên Huế trong việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19. Với sáng kiến này, người dân không có smartphone hoặc người có smartphone mà không có kỹ năng sử dụng đều có thể sử dụng mã QR trước là phục vụ phòng chống dịch, sau là phát triển kinh tế số, xã hội số, từ đó nâng cao niềm tin của người dân vào công nghệ. Mã QR quốc gia là chủ trương mang tính chiến lược của Bộ TT&TT và đã được tỉnh Thừa thiên Huế gấp rút triển khai. Dùng mã QR quốc gia này, người dân ra khỏi tỉnh vẫn dùng được, người ngoài tỉnh vào Huế vẫn dùng được, đi đâu cũng dùng được. Với sự hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 09/2021, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch COVID-19 đã hỗ trợ để Thừa Thiên Huế liên thông, chia sẻ trong việc chủ động tạo mã QR cho người dân theo chuẩn quốc gia. Trong thời gian ngắn triển khai từ 14/9/2021 đến nay đã kích hoạt được 826.000 thẻ QR kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.
Thẻ kiểm soát dịch bệnh phát huy hiệu quả là ở chỗ toàn dân và toàn diện. Vì không phải ai cũng có smartphone; không phải ai có smartphone cũng có kỹ năng sử dụng; không phải lúc nào, chỗ nào truy cập internet cũng ổn định. Trước đây người có smartphone mới dùng mã QR, giờ đây mỗi người dân Huế sẽ có một mã QR quốc gia dùng được mọi lúc, mọi nơi.
Được biết đến là một trong những đơn vị thực hiện triển khai truyền thông hiệu quả trên nền tảng số, Trung tâm IOC với hệ thống các kênh truyền thông như ứng dụng Hue-S (trên 450.000 tài khoản), trang mạng xã hội Facebook (trên 122.000 lượt theo dõi), Zalo OA (gần 60.000 người quan tâm), và các kênh khác như SMS brandname, hệ thống email, màn hình quảng cáo điện tử cũng như sự hỗ trợ, phối hợp của hệ thống trang thông tin điện tử, đã biên tập, đăng tải hàng trăm bản tin với mức độ tiếp cận và tương tác rất cao phục vụ nhiệm vụ truyền thông thông tin tình hình dịch bệnh cũng như các chính sách của Ban Chỉ đạo. Tiếp nhận, hỗ trợ hàng nghìn trường hợp thông qua tin nhắn mạng xã hội.
Trong thời gian tới, với sự triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế mong rằng sẽ tiếp tục giữ vững thành quả chống dịch, góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi được đại dịch, đưa cuộc sống người dân trở lại với trạng thái bình thường mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.