Hai sản phẩm của EVNICT xuất sắc giành giải thưởng Sao Khuê 2023
Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đã xuất sắc giành 03 giải Sao Khuê năm 2023 với 02 sản phẩm: “Hệ thống quản lý hồ sơ, thanh toán điện tử, tích hợp ngân hàng cho các giao dịch nội bộ của EVN và “Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối nền tảng số của các Tỉnh/Thành phố (EVNConnect)”.
Trong đó, “Hệ thống quản lý hồ sơ, thanh toán điện tử, tích hợp ngân hàng cho các giao dịch nội bộ của EVN” – đạt giải tại lĩnh vực Doanh nghiệp/Tổ chức số và “Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối nền tảng số của các Tỉnh/Thành phố (EVNConnect)” – đạt giải tại 02 lĩnh vực Công dân số và Tài nguyên, năng lượng.
Giải thưởng Sao Khuê năm 2023 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức. Lễ trao thưởng được diễn ra sáng ngày 28/4/2023 tại Hà Nội với sự tham gia của ông Nguyễn Mạnh Hùng- Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ Trưởng bộ Thông tin và truyền thông, cùng một số lãnh đạo các Ban, ngành.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Giải thưởng Sao Khuê có sức sống vì luôn bám sát cuộc sống, bám sát sự vận động, bám sát sự thay đổi của công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Sức sống của Giải thưởng Sao Khuê là bắt nguồn từ sức sống của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Giải thưởng Sao Khuê phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, phải uy tín hơn nữa. Uy tín phải là thương hiệu chính của Sao Khuê. Uy tín của Sao Khuê cũng chính là uy tín của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, của công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam”.
“Ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đang ngày càng trưởng thành hơn, các sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Sao Khuê giờ đây cần thể hiện vai trò liên kết mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Câu chuyện chuyển đổi số bây giờ không chỉ là hỗ trợ khách hàng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi công nghệ để số hóa, tối ưu hóa quy trình, hoạt động, mà phải là hợp tác với nhau, kết nối với nhau. hình thành các liên minh, liên kết chuyển đổi số giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổ chức, doanh nghiệp ở các ngành khác. Dữ liệu lớn khi đó được hình thành. Bài toán lớn khi đó được xác định và giải quyết. Như vậy ta mới nhanh chóng có được: những mô hình kinh tế số, doanh nghiệp số mới; những mô hình quản trị số, tổ chức số mới. Đây mới là động lực mới cho sự phát triển của đất nước”- Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA kỳ vọng.
Sao Khuê năm 2023 vinh danh 182 doanh nghiệp, nền tảng, sản phẩm tiêu biểu bao gồm 15 nền tảng số, 22 dịch vụ giải pháp công nghệ tiên phong, 2 Startup số, 38 dịch vụ, và 105 giải pháp số xuất sắc. Đặc biệt, 11 đề cử được xếp hạng Sao Khuê 5 sao và 10 đề cử xuất sắc được trao Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023.
Đạt giải tại lĩnh vực Doanh nghiệp/Tổ chức số, “Hệ thống quản lý hồ sơ, thanh toán điện tử, tích hợp ngân hàng cho các giao dịch nội bộ của EVN” là phần mềm ứng dụng trong môi trường số phục vụ hoạt động tổng hợp hồ sơ thanh toán, soát xét hồ sơ, kết nối thanh toán với ngân hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về hỗ trợ việc tổng hợp hồ sơ thanh toán từ các hệ thống liên quan hoặc hồ sơ người dùng cập nhật vào hệ thống; Hỗ trợ việc soát xét hồ sơ, ký số hồ sơ; Hỗ trợ việc lưu trữ chứng từ, sổ sách, báo cáo điện tử; Kết nối thanh toán trực tiếp với ngân hàng.
Hệ thống có sự liên kết chặt chẽ với các ngân hàng bằng chứng từ điện tử có áp dụng chữ ký số công cộng. Việc giao dịch giữa tổ chức và ngân hàng nhờ đó được đảm bảo độ tin cậy và có tính pháp lý cao. Bộ sản phẩm dịch vụ được EVNICT xây dựng và triển khai cho các đơn vị thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm 9 Tổng Công ty, 251 đơn vị thành viên với 96.000 cán bộ công nhân viên.
Đặc biệt, đạt giải tại 02 lĩnh vực Công dân số và Tài nguyên, năng lượng, “Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối nền tảng số của các Tỉnh/TP (EVNConnect)” là phần mềm tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số căn cước công dân/chứng minh nhân dân với cơ sở dữ liệu Dân cư thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG); Xây dựng nền tảng kết nối, tích hợp các tiện ích của EVN với hệ thống dịch vụ tiện ích của các địa phương (TIDP) để trao đổi dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Phần mềm cung cấp dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân, xác nhận thông tin chủ hộ và các thành viên trong một hộ gia đình, chia sẻ hơn 20 trường thông tin của công dân dựa theo dữ liệu đầu vào. Hệ thống kết nối với toàn bộ 5 Tổng công ty điện lực, tích hợp trên các hệ thống web/app CSKH, đáp ứng dịch vụ cho gần 30 triệu khách hàng. Đồng thời đối với hệ thống nội bộ của các Tổng Công ty điện lực đặc biệt là hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) cũng đã sử dụng dịch vụ của EVNConnect trong 20 luồng quy trình dịch vụ cấp điện và dịch vụ điện.
Đối với các đơn vị bên ngoài, hệ thống đã cung cấp các dịch vụ bên trong ngành điện cho dân cư các tỉnh thành phố thông qua các Cổng thông tin địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Đồng Nai, Yên Bái.
Phần mềm đang được ứng dụng trong EVN, 5 Tổng Công ty Điện lực trực thuộc EVN với 107 công ty Điện lực ở 63 tỉnh thành; 06 cổng thông tin các tỉnh thành phố: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Đồng Nai, Yên Bái, Huế; Cổng dịch vụ công quốc gia; Giải pháp cung cấp dịch vụ điện cho trên 29 triệu khách hàng hiện hữu và các khách hàng tăng trưởng hàng năm.
Năm 2023 đánh dấu 20 năm Giải thưởng Sao Khuê. Trong 20 năm qua, 1.546 Giải thưởng, Danh hiệu Sao Khuê đã được trao. Sao Khuê đã đồng hành, vinh danh và góp phần truyền thông, quảng bá cho hàng nghìn thương hiệu, giải pháp công nghệ thông tin tiêu biểu của Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghệ thông tin ngày một phát triển.
Tính đến năm 2023, EVNICT đã được trao 15 giải thưởng Sao Khuê cho 14 sản phẩm. Đó là: “Hệ thống quản lý hồ sơ, thanh toán điện tử, tích hợp ngân hàng cho các giao dịch nội bộ của EVN” và “Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối nền tảng số của các Tỉnh/Thành phố (EVNConnect)” (2023); Ứng dụng phục vụ người lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (SmartEVN) (2022); Hệ thống thông tin tích hợp văn phòng điện tử và tiện ích hành chính (2021); Giải pháp phần mềm cung cấp dịch vụ Điện theo phương thức giao diện điện tử EVN (2020); Phần mềm Thu thập dữ liệu đo đếm – EVNHES (2019); Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng – IMIS (2018); Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nhà máy điện (2015); Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử và Hệ thống thông tin quản lý kỹ thuật lưới điện (PMIS) (2014); Phần mềm hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS phiên bản 2.0 (2011); Phần mềm thị trường Điện (2008); Phần mềm tính cước Viễn thông công cộng (2007); Phần mềm hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS phiên bản 1.0) năm 2006.
Theo NSS