ZDT, VCVP và VOSP xuất sắc mang về 3 cúp Sao Khuê 2022 cho VTNet
Ngày 23/4, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2022 – giải thưởng uy tín của ngành CNTT Việt Nam. Năm nay, VTNet có 3 giải pháp được vinh danh trong lĩnh vực viễn thông và các nền tảng chuyển đổi số là ZDT, VCVP và VOSP.
Ban Tổ chức Sao Khuê 2022 đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số của Viettel đã có vai trò quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và tạo được giá trị mới, lợi thế cạnh tranh.
Trong số 25 hồ sơ của Viettel gửi tới Sao Khuê 2022, có 15 sản phẩm/dịch vụ đoạt giải. VTNet là đơn vị có số lượng giải thưởng nhiều thứ 2 của Tập đoàn với 3 giải thưởng. Trước đó, trong tháng 3 vừa qua, 5 nhóm sản phẩm của VTNet đã thực hiện thuyết trình, phản biện về hệ thống, giải pháp phần mềm của mình với các Hội đồng chuyên gia.
03 sản phẩm được nhận giải Sao Khuê 2022:
- Hệ thống Quản lý, tối ưu vùng phủ sóng di động hướng khách hàng – ZDT (Zero Driving Test), lĩnh vực: Viễn thông.
- Nền tảng Xử lý ảnh nghiệp vụ – VCVP (VTNet Computer Vision Platform), lĩnh vực: Các nền tảng Chuyển đổi số.
- Nền tảng Quản trị và điều hướng dịch vụ – VOSP (VTNet Open Service Platform), lĩnh vực: Các nền tảng Chuyển đổi số.
Hệ thống ZDT sử dụng giải pháp Minimization of Drive Test (MDT) giúp thu thập, giải mã tất cả các báo cáo vùng phủ của khách hàng, tính toán và hiển thị trực quan trên bản đồ để đưa ra các quyết định tối ưu, cải thiện chất lượng mạng lưới, cũng như đối sánh vùng phủ với nhà mạng khác. Trong khi đó các sản phẩm thương mại trên thị trường chỉ dừng lại ở việc thu thập, giải mã dữ liệu thay thế cho driving test truyền thống, không có các bài toàn phân tích dữ liệu để đưa ra các vấn đề, thông tin đánh giá vùng phủ với nhà mạng khác. Bên cạnh đó, hệ thống cũng giúp tiết kiệm chi phí đo kiểm, tiết kiệm xăng xe, giảm ô nhiễm môi trường.
Nền tảng Quản trị và điều hướng dịch vụ VOSP (VTNet Open Service Platform) cung cấp nền tảng cho người sử dụng có thể cấu hình tích hợp hệ thống vào nền tảng, thay thế con người thực hiện các công việc thường trình hàng ngày như tạo ra các kịch bản sử dụng API; kiểm tra sức khỏe các API của hệ thống CNTT, viễn thông; tự động giám sát các số liệu về hiệu năng và thông tin các lệnh gọi API, độ trễ dữ liệu và tỷ lệ lỗi từ bảng điều khiển.
Bên cạnh đó, VOSP đảm nhiệm vai trò cân bằng tải của hệ thống viễn thông khác, các yêu cầu không được gửi trực tiếp đến hệ thống nên sẽ giảm thiểu được rủi ro hệ thống bị quá tải. Với chức năng bảo mật, VOSP tạo thêm 1 lớp bảo mật cho hệ thống, ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài, bổ sung thêm các cơ chế xác thực người dùng.
Nền tảng Xử lý ảnh nghiệp vụ VCVP cung cấp nền tảng cho nhân sự vận hành khai thác, huấn luyện mô hình theo hướng Low/No Code và công nghệ MLOps giúp dễ dàng triển khai, khép kín quy trình, dễ dàng mở rộng và tích hợp. Nền tảng này giúp thay thế con người thực hiện các công việc thường trình hàng ngày, phục vụ đánh giá trực quan, theo dõi log hệ thống, theo dõi cảnh báo trong thời gian thực, hoặc gần thời gian thực đối với nghiệp vụ chuyển sâu.
Không chỉ cảnh báo, hệ thống còn thực hiện phân tích, xử lý lỗi tự động, đưa ra dự báo bất thường và tiến hành kiểm tra sức khỏe hệ thống định kỳ. Điểm tối ưu của VCVP là khả năng tự động giao việc, tối ưu thời gian giữa người quản lý và người nghiệp vụ, gợi ý lỗi bất thường và mức độ nguy hiểm. Ngoài ra, sản phẩm còn được tích hợp công nghệ AI, DevOps, MLOps, hệ thống mang tính linh hoạt cao, dễ dàng mở rộng và tích hợp với các hệ sinh thái khác.
Đặc biệt, đồng hành cùng các nhóm sản phẩm tham dự chương trình này còn có sự góp mặt của PTGĐ Hà Minh Tuấn. Sự xuất hiện của Phó Tổng Giám đốc là sự ghi nhận và nguồn động viên lớn đối với những nỗ lực vượt bậc của các nhóm phát triển sản phẩm. Bên cạnh tham dự lễ trao giải, đoàn VTNet còn tham quan các gian hàng công nghệ được trưng bày tại sự kiện, tham khảo, hỏi đáp thêm về những dịch vụ mới trong “ngày hội” công nghệ này.
Việc đoạt giải Sao Khuê 2022 cũng là cơ hội lớn cho các bạn trẻ VTNet được mang sản phẩm của mình lên bàn cân với các hệ thống, dịch vụ khác trên thị trường và gặt hái thành công. Vinh dự trở thành 1 trong những đại diện của VTNet nhận giải, chàng trai trẻ Nho Minh Tú – TT Chuyển đổi số không giấu nổi sự hồi hộp: “Trước khi lên sân khấu, mình đã cố gắng mường tượng ra bản thân cần làm gì, đi tuyến như thế nào nhưng khi lên đến bục, mình gần như quên hết mọi thứ vì quá hạnh phúc. Sao Khuê cũng là ước mơ của mình từ khi còn bé nhưng chưa bao giờ tưởng tượng ra có ngày mình được đứng ở đây, sau lưng là gia đình cùng anh chị em Viettel – những người đã chiến đấu hết sức mình để có được vinh dự này”.
Như được tiếp thêm động lực từ chiếc cúp Sao Khuê, chàng trai đến từ TT Chuyển đổi số khẳng định sẽ nỗ lực cùng anh em chinh phục nhiều giải thưởng trong và ngoài nước hơn nữa. Bản thân Minh Tú cũng sẽ học tập và cố gắng nhiều hơn để mang trí tuệ, sức trẻ cống hiến cho cuộc sống tốt hơn, con người hạnh phúc hơn như lời một người anh tại VTNet đã nói với chàng trai ấy: “Em làm ở Viettel em không chỉ làm vì bản thân mình, em còn đang gánh vác sứ mệnh thiêng liêng khác và chúng ta nên tự hào vì điều đó”.
Thêm một thông tin thú vị: Trong khuôn khổ lễ trao giải, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cung cấp thông tin về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/10 hàng năm làm Ngày Chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, truyền thông.
Giải thưởng Sao Khuê là hoạt động thường niên của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam từ năm 2003. Qua 17 năm, Sao Khuê được cộng đồng CNTT Việt Nam đánh giá cao, góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam.
Giải thưởng Sao Khuê 2022 nhận được 314 đề cử và chọn ra 174 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu. Trong đó, có 10 dịch vụ, giải pháp được vinh danh Top 10 Danh hiệu Sao Khuê và 19 dịch vụ, giải pháp được xếp hạng 5 sao. 80% sản phẩm được trao giải sử dụng các công nghệ mới như AI, blockchain, RPA…
THEO VTNET