Nỗi niềm của kỹ sư VTNet với mục tiêu bảo đảm vùng phủ lớn nhất Việt Nam
Chật vật với những công cụ đo kiểm lỗi thời
Đối với dịch vụ viễn thông di động, vùng phủ sóng là chỉ số quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận của khách hàng. Sóng tốt là điều kiện tiên quyết để mạng lại chất lượng dịch vụ tốt cho khách hàng. Tuy nhiên đây là chỉ số khó đo đạc, kiểm soát nhất. Đã có rất nhiều trường hợp rơi vào tình thế bị động khi khách hàng phản ánh lên mới biết khu vực đó sóng yếu. Do vậy, việc quản lý được chất lượng và vùng phủ sóng là trăn trở và yêu cầu hàng đầu của tất cả nhà mạng trên thế giới. Trên cơ sở đó, chúng ta cần thực hiện các giải pháp quy hoạch – thiết kế – tối ưu dịch vụ hiệu quả nhất.
Trước đây, để xác định vùng phủ sóng của một khu vực chúng ta sử dụng phương pháp mô phỏng phần mềm, công cụ truyền thống. Đó là việc dùng các thiết bị đo kiểm chuyên dụng đặt trên ô tô hoặc xe máy để xác định khu vực nào sóng tốt, khu vực nào sóng kém. Các phương pháp này có các hạn chế là số mẫu ít, mang tính thời điểm nên không thể hiện được đầy đủ trải nghiệm vùng phủ của khách hàng, đồng thời tiêu tốn chi phí đo kiểm lớn (bao gồm nhân công, xăng xe, thiết bị đo kiểm, ước tính mất 20 tỉ VNĐ cho 1 lần đo kiểm hết 700 huyện của Việt Nam).
Do chi phí rất lớn, thống kê các năm gần đây chỉ thực hiện đo kiểm, tối ưu 350 huyện/năm, như vậy sau 2 năm mới đo hết 1 lượt cho Việt Nam. Đặc biệt trong 2 năm covid vừa qua, tần suất đo ít hơn, một số vùng cách ly thậm chí không tiếp cận, đo kiểm và tối ưu vùng phủ được.
Xuất phát từ những băn khoăn, trăn trở ở trên, nhóm kỹ sư VTNet đã tìm tòi, nghiên cứu, phát triển, triển khai vào mạng lưới giải pháp quản lý, tối ưu vùng phủ sóng 4G thực của khách hàng. Đây là giải pháp được đánh giá là đột phá nhất với ngành vô tuyến và giúp Viettel là nhà mạng đầu tiên ở Việt nam có giải pháp này. Cái tên “Zero Driving test – ZDT” cũng là thể hiện đích đến cuối cùng của giải pháp là thay thế hoàn toàn việc đo kiểm driving test.
Thay vì 2 năm, chúng tôi chỉ cần 1 tháng
Ý tưởng về triển khai giải pháp được đưa ra từ đầu năm 2021 với mục tiêu tìm phương án quản lý vùng phủ hiệu quả trong giai đoạn Covid-19. Đây là bài toàn khó, được đặt ra cho toàn ngành vô tuyến từ TT Kỹ thuật Toàn cầu đến các TT Kỹ thuật Khu vực để huy động trí tuệ tập thể.
Các giải pháp bao gồm:
- B1: Nghiên cứu thay đổi các tham số toàn trình trên nhiều node mạng từ mạng core (HSS, MME, GGSN) đến trạm BTS để yêu cầu máy khách hàng định kỳ gửi bản tin báo cáo vùng phủ lên mạng (Measurement report).
- B2: Thu thập các báo cáo vùng phủ từ máy khách hàng, tiếp đến hiểu cơ chế mã hóa của vendor để giải mã ra thông tin có ích (cường độ, chất lượng vùng phủ).
- B3: Áp dụng phân tích dữ liệu để đưa ra các vấn đề mạng lưới (các vùng sóng yếu, nhiễu).
- B4: Hoàn thiện sản phẩm dưới giao diện web.
Sau 4 tháng nghiên cứu giải pháp, mọi thứ tưởng chừng rơi vào bế tắc thì đến tháng 4/2021, TT Kỹ thuật KV3 đã thử nghiệm thành công giải pháp trên diện hẹp cho 4G Nokia ở việc thu thập và giải mã bản tin báo cáo vùng phủ của người dùng.
Xuất phát từ kết quả từ TT Kỹ thuật KV3, nhóm kỹ sư TT Kỹ thuật Toàn cầu đã tổ chức hội thảo với TT Chuyển đổi số và các trung tâm khu vực để tìm cách hoàn thiện giải pháp nhanh, hiệu quả, tối ưu nhất. Đó là cách làm vừa phát triển, vừa triển khai ngay vào mạng lưới và hoàn thiện sau phẩm, đã được sự đồng ý của PTGĐ VTNet Hà Minh Tuấn.
Theo đó, TT Chuyển đổi số sẽ chịu trách nhiệm thu thập, giải mã, tổ chức, tối ưu dữ liệu và lưu trữ Bigdata. Các đơn vị nghiệp vụ TT Kỹ thuật Toàn cầu, TT Kỹ thuật Khu vực sẽ sử dụng nền tảng Tableu, No Code AI để phân tích dữ liệu, chủ động xây dựng các kịch bản tình huống để phát hiện bất thường mạng lưới , đưa vào thử nghiệm diện hẹp, lập báo cáo và đưa vào thường trình diện rộng. Do server giới hạn, đội ngũ kỹ sư sẽ sử dụng SON để luân phiên triển khai giải pháp cho các tỉnh khác nhau. Với cách làm này, thì chỉ cần 1 tháng có thể thu thập dữ liệu của toàn quốc.
Hơn thế nữa, với kiểu tiếp cận này, bất cứ nhân viên thiết kế tối ư vô tuyến nào cũng tự mình tiếp cận được với dữ liệu ZDT để tạo ra tri thức hữu ích, chỉ cần hiệu quả sẽ được nhân rộng cho toàn mạng. Việc này tạo lên hứng khởi cho toàn ngành vô tuyến, nhiều kịch bản tình huống được sinh ra như xác định vùng lõm, vùng nhiễu, cell phủ xa, cell bị che chắn, cell lắp đặt sai, hỗ trợ nghiệm thu trạm mới, hỗ trợ ra đánh giá hiệu quả khi lắp anten, dự đoán trạm đối thủ, đếm số cell đối thủ,…
ZDT được đánh giá là sản phẩm chuyển đổi số ngành vô tuyến có đóng góp của nhiều người nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 20 người.
Thu hoạch “trái ngọt”
Giải pháp đã giúp hiển thị trực quan vùng phủ sóng thực của khách hàng dựa trên các bản tin báo cáo từ khách hàng lên mạng, phù hợp để triển khai trên quy mô lớn, độ tin cậy cao lại có thể đo liên tục 24/7. ZDT còn là bước đột phá trong việc thu thập, giải mã, áp dụng phân tích dữ liệu để xử lý 10 tỉ bản tin báo cáo/tháng của 20 triệu khách hàng. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể triển khai thiết kế, audit lại thiết kế một cách chính xác, tối ưu, hiệu quả.
Nhờ có ZDT, trong năm 2022, VTNet đã phát hiện thêm 10.000 vùng lõm mới, hiện đang khảo sát và đưa giải pháp cho các vùng lõm. Đồng thời cũng chủ động hơn trong việc phát hiện và xử lý các vấn đề tồn tại phát sinh trên mạng lưới. Trong năm 2022, VTNet đã áp dụng giải pháp để chủ động phát hiện và xử lý 900 cell có vùng phủ rộng bất thường, 600 cell đầu nối sai sợi quang lên anten gây suy giảm tốc độ 30%, 1000 cell có hướng phủ chưa tối ưu. Việc này giúp chúng ta sớm phát hiện và xử lý các vấn đề mạng lưới, đem lại chất lượng tốt nhất cho khách hàng.
ZDT thực sự đã giúp đội ngũ kỹ sư VTNet có phương pháp đánh giá chính xác, toàn diện nhất về mức độ cạnh tranh về vùng phủ sóng của Viettel so với các nhà mạng khác mức huyện, tỉnh, toàn mạng. Việc hiển thị trực quan trên bản đồ các khu vực Viettel tốt, các nhà mạng kém hoặc ngược lại còn hỗ trợ cho việc kinh doanh, phát triển hạ tầng. VTNet đã triển khai giải pháp dưới dạng web trên thiết bị di động để các Giám đốc Viettel tỉnh sử dụng vào tháng 11/2022.
Thông qua việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch phát triển tri thức của lực lượng kỹ sư của chúng ta, từ kỹ sư viễn thông đơn thuần sang kỹ sư viễn thông kết hợp với kiến thức CNTT và xử lí dữ liệu lớn, qua đó biến dữ liệu thành các hiểu biết sâu sắc hơn về khách hàng. Đồng thời nhóm kỹ sư TT Chuyển đổi số đã có những hiểu biết sâu hơn về viễn thông, sẵn sàng các bài toán phân tích dữ liệu, áp dụng AI trong tương lai.
Trên đà phát triển, VTNet đã phối hợp triển khai ZDT diện hẹp cho 6 thị trường (Mytel, VTC, Burundi, Peru, Mozambique, Tanzania) và được các thị trường đánh giá cao, đề xuất mở rộng mức toàn mạng trong năm 2023.
Sắp tới, nhóm kỹ sư VTNet sẽ tiếp tục nghiện cứu áp dụng AI để phát triển tính năng tự động tối vùng phủ để nâng cao chất lượng khách hàng bằng cách điều chỉnh tilt điện, công suất phát của trạm. Đồng thời, VTNet sẽ hoàn thành triển khai giải pháp ZDT cho các thị trường trên diện rộng để hỗ trợ công tác thiết kế, tối ưu trong điều kiện khó khăn về nhân sự.
THEO VTNET