Hệ thống ODS- Tập trung hóa quản trị dữ liệu hoạt động
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đi sâu vào từng lĩnh vực, ngành nghề, dữ liệu đang được coi là “dầu mỏ mới”, là nguồn cung cấp năng lượng cho công cuộc chuyển đổi số. Đối với ngành ngân hàng tài chính, một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn và đi đầu trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số, thì quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn. Do đó, dữ liệu cần được tập trung đầy đủ và nhất quán, cần được phản ánh kịp thời và chính xác qua các hệ thống quản trị dữ liệu tập trung, trong đó có hệ thống ODS.
ODS tạo bức tranh tổng thể cho kho dữ liệu
Khái niệm ODS được hai chuyên gia Inmon & Imhoff đưa ra lần đầu tiên năm 1996, trong đó ODS (Operation Data Store – Kho dữ liệu hoạt động) được hiểu là kho tập trung dữ liệu từ nhiều ứng dụng nghiệp vụ khác nhau để có bức tranh tổng thể, phục vụ nhu cầu báo cáo phân tích kinh doanh hàng ngày, qua đó cải thiện việc ra quyết định của doanh nghiệp
ODS mang đến nhiều tính năng như: Cung cấp các báo cáo nội bộ để hỗ trợ việc phân tích hoạt động kinh doanh; Giảm gánh nặng cho các ứng dụng nghiệp vụ bằng việc cho phép truy vấn, phân tích và báo cáo trên một nền tảng dữ liệu độc lập, giúp tăng hiệu suất của các ứng dụng nghiệp vụ trong việc tập trung hỗ trợ tính năng tác nghiệp hàng ngày; Có khả năng kết hợp dữ liệu trên nhiều ứng dụng nghiệp vụ hoạt động nên cho phép truy vấn, phân tích và báo cáo dữ liệu hoạt động được tích hợp từ nhiều hệ thống nghiệp vụ.
Hệ thống còn cung cấp dữ liệu theo thời gian gần thực (Near Real Time) bằng công nghệ mới CDC từ đó phản ánh trạng thái hiện tại của các hệ thống nguồn. ODS sẽ không ưu tiên lưu dữ liệu lịch sử quá dài (<6 tháng), điều quan trọng là đảm bảo dữ liệu mới nhất có sẵn để đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp.
ODS phục vụ hiệu quả cho hoạt động BIDV
Trên cơ sở khảo sát thực trạng và nhu cầu khai thác dữ liệu tại chi nhánh, BIDV thực hiện xây dựng hệ thống thay thế dữ liệu gốc ODS bắt đầu từ năm 2018. Hệ thống không chỉ đặt ra yêu cầu chuẩn hóa công tác quản trị, phân quyền sử dụng dữ liệu và báo cáo, mà còn hướng đến tập trung hóa dữ liệu nguồn tại kho dữ liệu chung toàn hàng BIDV-MIS, để lưu trữ, chuẩn hóa và phân phối cho các ứng dụng, báo cáo, nhằm đảm bảo tính an toàn, bảo mật, chính xác và nhất quán dữ liệu.
Hệ thống ODS của BIDV được thiết kế theo tiêu chuẩn của IBM Banking Data Model. Sau 2 lần nâng cấp, hệ thống ODS đã tích hợp hơn 40 nguồn các dữ liệu với gần 100 báo cáo tĩnh, hơn 200 bảng dữ liệu ở 4 Package báo cáo động. Trong đó, điểm nổi bật là hệ thống báo cáo Intraday, Online (25 báo cáo Real Time trong dự án ODS) ở hầu hết các nghiệp vụ tiền gửi, tiền vay, thông tin khách hàng, hoạt động thẻ, báo cáo GL…
Ngoài ra, đã phát triển song song công cụ vắn tin dữ liệu lịch sử ODS cho phép vắn tin dữ liệu lịch sử từ ngày đến ngày, độ dài dữ liệu lịch sử phụ thuộc vào thời gian lưu trữ dữ liệu trên ODS (từ 6 tháng đến 01 năm liên tục). Đồng thời cho phép người sử dụng lọc dữ liệu các trường dữ liệu theo nhu cầu người sử dụng như số CIF, số dư, loại tiền, tài khoản, phòng quản lý.
Để đảm bảo hiệu năng sử dụng cũng như tăng tốc độ xử lý dữ liệu của hệ thống ODS, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phân tích hoạt động kinh doanh và đưa ra quyết định kinh doanh hàng ngày, BIDV đã triển khai dự án đầu tư hạ tầng hệ thống ODS với việc xây dựng thêm 50 báo cáo tĩnh mới và đầu tư máy chủ chuyên dụng bao gồm: nền tảng phần cứng hiệu suất cao + phần mềm là Engine CSDL đã được tối ưu hóa hoạt động cùng nhau để hỗ trợ các tính năng phân tích dữ liệu và báo cáo phân tích nâng cao.
Với hạ tầng công nghệ mới hỗ trợ gia tăng lượng thông tin sẵn có cũng như cải thiện chất lượng dữ liệu lưu trữ tập trung tại BIDV. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả trong công tác theo dõi, đối chiếu và giám sát dữ liệu thường xuyên, thúc đẩy gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Những tính năng vượt trội từ hệ thống ODS
Hệ thống ODS tại BIDV được xây dựng với nhiều tính năng vượt trội so với khai thác dữ liệu gốc phân tán hiện nay. Dữ liệu được tập hợp từ nhiều nguồn như: Core Banking SIBS, hệ thống thẻ Cadencies, Kondor, FTP… và trải phẳng theo từng nghiệp vụ nên tạo sự thân thiện với người sử dụng, cho phép người dùng khai thác dữ liệu một cách nhất quán và dễ dàng. Người sử dụng khai thác được nhiều thông tin đa dạng từ báo cáo mà không phải khai thác thủ công bằng excel từ nhiều bảng dữ liệu gốc như hiện nay.
Đồng thời, hệ thống cung cấp báo cáo online theo thời gian thực, qua đó hỗ trợ các đơn vị ra quyết định kinh doanh sát với thực tế. Từ cơ sở dữ liệu của hệ thống ODS, người sử dụng sẽ tiếp cận và làm quen với nền tảng dữ liệu gốc mới, là bước đệm cho việc chuyển đổi và tích hợp dữ liệu hệ thống CoreBanking Profile.
Với những tính năng vượt trội trên, hệ thống ODS đã dần trở thành nguồn dữ liệu hoạt động thay thế dữ liệu gốc phục vụ hoạt động kinh doanh hàng ngày cho các đơn vị. Quá trình triển khai cho thấy, các đơn vị dễ dàng làm quen và sử dụng thành thạo hệ thống ODS, cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp dữ liệu gốc của các đơn vị. Tính đến nay, tần suất sử dụng ngày càng tăng cao qua các năm: năm 2020 đã có hơn 2,5 triệu lượt, năm 2021 hơn 5 triệu lượt truy cập khai thác, trở thành hệ thống báo cáo được khai thác nhiều nhất tại BIDV.
Từ mục tiêu ban đầu là xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo mật thông tin, ODS dần trở thành hệ thống hỗ trợ đắc lực trong việc cung cấp hệ thống báo cáo phục vụ hoạt động kinh doanh, được tìm kiếm, khai thác và sử dụng nhiều nhất tại BIDV. Khai thác hiệu quả hệ thống ODS tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong công tác quản lý dữ liệu toàn hàng, hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số tại BIDV. |
THEO BIDV