“Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” vinh dự đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2022
Năm 2022, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế với sản phẩm “Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” đã vinh dự được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, Công nghệ thông tin Việt Nam và được công nhận đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2022 lĩnh vực: Các nền tảng chuyển đổi số. Đây là giải thưởng uy tín nhất ngành phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam.
Tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm IOC) được thành lập theo Quyết định số 3010/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông và Trung tâm Thông tin Dữ liệu điện tử.
Đến nay, Trung tâm IOC đã đưa vào vận hành gần 20 dịch vụ đô thị thông minh hoạt động hiệu quả 24/7 như: phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát thông tin báo chí, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin…; triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo điều kiện các giải pháp làm việc trực tuyến. Trung tâm IOC được xem là trái tim của dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế
Với giải pháp ứng dụng công nghệ số “Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” (https://sohoa.thuathienhue.gov.vn/) là một nền tảng số dùng chung hình thành kho dữ liệu số toàn tỉnh, cho phép thu thập, trích xuất, chuyển đổi, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý; từ đó phục vụ triển khai Chính quyền số và dịch vụ đô thị thông minh, hệ thống làm việc với đa dạng loại dữ liệu (có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc) từ nhiều nguồn khác nhau như Excel, CSV, dữ liệu GIS,….; có khả năng tuỳ biến linh hoạt phục vụ đa dạng các loại hình dữ liệu; thao tác tạo lập đơn giản giúp các ngành dễ triển khai số hoá dữ liệu theo các nhu cầu khác nhau; đáp ứng giải quyết cả dữ liệu quy trình lẫn dữ liệu chuyên ngành.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 29.954 cán bộ công chức viên chức thuộc các cơ quan trên địa bàn tỉnh đang sử dụng nền tảng số hoá. Ngày 23/4/2022, “Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” đã vinh dự đạt Giải thưởng Sao Khuê hạng mục nền tảng chuyển đổi số do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đánh giá.
“Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” được thiết kế, xây dựng và phát triển bao gồm 04 Phân hệ chính gồm: Dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu quy trình, dữ liệu khảo sát và dữ liệu Dịch vụ công.
Trong đó, Phân hệ dữ liệu chuyên ngành trên nền tảng số hóa được thiết kế xây dựng nhằm hình thành các kho dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, tùy vào tính chất dữ liệu của ngành quản lý hay tính chất riêng của cá nhân có thể xây dựng theo cấu trúc dữ liệu phù hợp với nhu cầu khai thác. Qua đó, phục vụ công tác phân tích đánh giá, trình diễn và báo cáo, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong việc xây dựng, quản lý, tổng hợp cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Phân hệ dữ liệu quy trình trên nền tảng số hóa dùng chung đáp ứng nguyên tắc tạo lập, tương tác và xử lý báo cáo. Hệ thống tự động thực hiện các công đoạn lưu vết thời gian, lưu vết tài khoản phục vụ mục đích đối soát với dữ liệu đã được cập nhật theo file điện tử được ký số. Từ đó, giúp các cấp quản lý giải quyết được bài toán giao việc đến từng cá nhân, lọc theo nhiều nhóm công việc khác nhau, dễ dàng nắm tiến độ nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc nếu có. Đồng thời, giúp cho cá nhân báo cáo và tự theo dõi tiến độ công việc một cách tường minh, cụ thể.
Phân hệ dữ liệu khảo sát trên nền tảng số hóa dùng chung là phân hệ hỗ trợ các biểu mẫu khảo sát phục vụ cho nhiều mục đích thu thập dữ liệu khác nhau như công tác nghiên cứu quy mô, số lượng lớn; điều tra xã hội; khảo sát mức độ hài lòng…
Phân hệ dữ liệu dịch vụ công trên nền tảng số hóa dùng chung là nơi tạo lập và lưu trữ dữ liệu cho 02 giai đoạn quan trọng khi thực hiện một thủ tục hành chính là biểu mẫu trực tuyến đầu vào và kết quả xử lý điện tử đầu ra, nhằm mục đích số hóa các biểu mẫu phục vụ nhu cầu sử dụng, khai thác và quản lý của cả người dân và cơ quan nhà nước.
Việc xây dựng, phát triển và đưa vào vận hành “Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, là bước quan trọng hàng đầu trong tiến trình chuyển đổi số nói chung và công tác chuyển đổi số tại mọi cơ quan đơn vị nói riêng.
THEO TRUNG TÂM IOC