Hanel tiếp tục ghi dấu với giải pháp Giao thông thông minh trên nền bản đồ số
Môi trường giao thông chất lượng nhờ giải pháp Giao thông thông minh
Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị Giám sát hành trình thuộc phần mềm Giải pháp Giao thông thông minh trên nền bản đồ số của Hanel (Hệ thống Giao thông thông minh) được bấm nút vận hành vào ngày 14/01/2016, và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1/1/2017. Cho đến hết quý 1/2022, hệ thống đã có hơn 1.000 tài khoản được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp cho các đơn vị khai thác.
Trong đó, có 130 tài khoản đơn vị truyền dữ liệu và tra cứu dữ liệu nhà cung cấp, 134 tài khoản cho các Sở Giao thông – Vận tải, Thanh tra giao thông 63 tỉnh, thành phố và 560 tài khoản cho các bến xe khách toàn quốc… Đặc biệt, có 158 tài khoản dành cho các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông – Vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cảnh sát giao thông để thực thi nhiệm vụ.
Điểm đáng chú ý, do hệ thống có công cụ để phân loại trạng thái và loại hình kinh doanh vận tải đã được cấp phép của phương tiện, nên hoạt động theo dõi giám sát gần như không phát sinh sai sót.
Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Hanel, đây là điểm có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giám sát của cơ quan quan lý nhà nước, vì sai sót, nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến không chỉ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước mà còn sẽ gây khó khăn, thậm chí là không công bằng cho doanh nghiệp vận tải.
“Chúng tôi là doanh nghiệp, nên hình dung được những tác động của các công cụ quản lý nhà nước tới hoạt động của mình. Vì vậy, khi xây dựng hệ thống, các công cụ đảm bảo phân loại đúng các loại hình, giám sát theo thời gian thực được coi trọng”, bà cho biết.
Hiện tại, hệ thống có tổng số 180 chức năng có liên quan đến vận hành, khai thác dữ liệu. Ví dụ, liên quan đến dữ liệu, báo cáo tổng hợp các hành vi vi phạm đối với các phương tiện kinh doanh vận tải, hệ thống có tới 44 loại báo cáo.
Đáng nói là các nội dung báo cáo được phân tích chi tiết, cho các cơ quản lý nhà nước hình dung bức tranh chân thực trong hoạt động giao thông đường bộ, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp.
Đơn cử, liên quan đến vi phạm tốc độ xe chạy, trong năm 2020, cả nước có tổng số 5.453.875 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000 km là 0,32 lần/1.000 km.
Hay liên quan đến quy định vi phạm thời gian lái xe liên tục, năm 2020, cả nước có tổng số 5.453.875 lần vi phạm được ghi nhận từ hệ thống.
Dựa trên kết quả xử lý vi phạm thông qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống, năm 2020, các sở giao thông – vận tải đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 3.529 phương tiện; ra văn bản nhắc nhở đối với 10.016 phương tiện. Số liệu này chưa tính số tiền xử phạt các vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình do lực lượng thanh tra giao thông và lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt.
Trong năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng, buộc phải áp dụng các quy định về giãn cách xã hội, hệ thống giúp giám sát chặt chẽ các phương tiện kinh doanh vận tải trong thời gian giãn cách xã hội cũng như hỗ trợ cung cấp thông tin hành trình các phương tiện vận tải phục vụ công tác truy vết F0 của ngành y tế hiệu quả và nhanh chóng, đóng góp không nhỏ vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Với kết quả trên cho thấy, hệ thống đã góp phần quan trọng trong công tác giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giám sát tốc độ của phương tiện kinh doanh vận tải, góp phần làm giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, giảm chi phí đầu tư, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông.
Dễ nhận thấy nhất, khi so sánh giữa năm 2015 và 2020, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km đã giảm mạnh (năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1000 km, năm 2020 tỷ lệ này là 0,32 lần/1000 km, giảm khoảng 36 lần so với năm 2015), mặc dù số lượng phương tiện năm 2020 tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Giải pháp giao thông thông minh của Hanel có gì
Giải pháp giao thông thông minh do Hanel phát triển tích hợp thông tin từ các ứng dụng độc lập, riêng rẽ để tích hợp, hình thành trung tâm chỉ huy, kết nối và phân tích thành những thông tin có giá trị. Điểm nổi bật của Hệ thống là kết nối các yếu tố: Hạ tầng, phương tiện và con người theo thời gian thực trên nền bản đồ số với nhiều lớp dữ liệu chuyên ngành, giúp quản lý dễ dàng và hiệu quả các hoạt động giao thông vận tải.
Hệ thống được cung cấp với giải pháp công nghệ tổng thể, định danh các vị trí trên bản đồ để xác định tính tương tác mà không phải triển khai với số lượng lớn các loại thiết bị khắp các tuyến, hoặc các điểm dừng đỗ trên tuyến, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm giải pháp vận hành ổn định.
Mục đích là cung cấp nền bản đồ số cho ngành giao thông – vận tải, như thu thập dữ liệu giao thông và tích hợp thành các lớp dữ liệu nhờ ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu không gian trên hệ thống bản đồ số.
Các lớp dữ liệu hệ thống như dữ liệu cầu, dữ liệu biển báo, dữ liệu tuyến cố định, dữ liệu trạm thu phí, dữ liệu điểm dừng, đỗ… phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với trên 20.000 km đường quốc lộ, các tuyến đường cao tốc và từng bước triển khai đến trên 128.000 km tỉnh lộ, huyện lộ giao thông đô thị và đường chuyên dùng.
Dựa trên hệ thống, các công cụ quản lý giao thông thông minh được cung cấp, như trên nền tảng web, mobile, phục vụ khai thác, kết nối các cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ hiện có. Có thể nhắc tới hệ thống quản lý biển báo giao thông; hệ thống xử lý dữ liệu giám sát hành trình và kiểm soát tốc độ theo cung đường; hệ thống tích hợp quản lý tuyến cố định trên nền bản đồ số; hệ thống kết nối thông tin giao dịch vận tải.
Đáng kể là, theo Tổng giám đốc Hanel, hệ thống có khả năng mở rộng hoặc tích hợp với nhiều hệ thống khác tạo thành 1 hệ thông tin xuyên suốt và đầy đủ. Các nhóm thông tin, dữ liệu tích hợp sẽ được biểu diễn ở dạng các lớp dữ liệu, đặt tập trung trên nền bản đồ số thống nhất, phục vụ phân tích và xử lý các thông tin chuyên ngành.
“Khi phát triển giải pháp này, Hanel đã nhìn thấy trước yếu tố biến động tăng trong nhu cầu của công tác quản lý nhà nước về giao thông tổng thể . Nếu giải pháp không có khả năng mở rộng hoặc tích hợp, sẽ không thể đáp ứng nhu cầu này một cách tối ưu, với mức chi phí không quá lớn, phù hợp với điều kiện ngân sách của cơ quan quản lý nhà nước”, Tổng giám đốc Hanel cho biết.
Vì vậy, qua 5 năm đưa giải pháp giao thông thông minh do Hanel phát triển vào vận hành theo chính sách thuê dịch vụ công nghệ thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có được một hệ thống quản lý giao thông tổng thể, tức thời, theo thời gian thực, giúp giải quyết nhiều tồn tại trong công tác quản lý giao thông đường bộ.